Từ nhiều năm qua, chính quyền địa phương cũng như người dân ở thị trấn Quỳ Hợp thường xuyên kiến nghị phía nhà máy nước đổi nguồn nước đầu vào để bán cho người dân sinh hoạt, bởi dòng Nậm Huống đã bị ô nhiễm. Thời gian gần đây, người dân càng thêm hoang mang khi thượng nguồn dòng sông này bị ‘bức tử’, cá chết hàng loạt.
Bức tử những dòng sông
Gần nửa tháng nay, nhiều hộ dân ở thị trấn Quỳ Hợp phải mang từng thùng chứa lớn đi xin nước giếng từ vùng khác về để sinh hoạt. Đặc biệt, kể từ ngày 3/7, sau khi UBND huyện Quỳ Hợp có công văn về việc khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng nguồn nước từ sông Nậm Huống. Nhưng Nhà máy nước thị trấn Quỳ Hợp thì vẫn ngày/đêm bơm hàng nghìn khối nước từ dòng sông này rồi xử lý, bán cho hơn 2.400 hộ dân trên địa bàn.
“Dòng sông đó bị ô nhiễm lâu rồi, nay càng nghiêm trọng hơn. Cá mà cũng chết hàng loạt thì sao người không lo cho được! Nhưng như nhà tôi không có nguồn nước nào khác, nên đành đi xin ở vùng khác về nấu ăn, còn tắm giặt thì vẫn phải sử dụng nước từ nhà máy”, ông Phan Văn Hoàn (72 tuổi), ở thị trấn Quỳ Hợp nói.
Sông Nậm Huống – vị trí mà Nhà máy nước lấy nước thô đầu vào. Ảnh: Tiến Hùng
Cách nhà ông Hoàn không xa, bà Hoàng Thị Thắng (58 tuổi), cũng chung nỗi hoang mang. Bà Thắng nói rằng, từ 5 năm qua, mặc dù bỏ tiền mua nước từ nhà máy, nhưng bà vẫn không dám dùng nguồn nước này để nấu ăn, dù đã phải qua 2 máy lọc tại nhà. Thay vào đó, bà phải đi mua từng thùng nước đóng chai về cho cả gia đình sử dụng. “Nỗi lo về nguồn nước thì không phải bây giờ, mà từ nhiều năm nay rồi. Nhưng bây giờ nghiêm trọng hơn sau khi xuất hiện tình trạng cá chết, nên ai cũng rất hoang mang. Không biết cá chết như vậy, người uống vào thì có ảnh hưởng về lâu dài không?”, bà Thắng đặt câu hỏi.
Trước đây, gia đình bà Thắng mua nước từ Nhà máy nước thị trấn Quỳ Hợp, đấu nối qua 1 máy lọc để sử dụng cho việc nấu ăn hàng ngày. Nhưng 3 tháng trước, cậu con trai từ bên nước ngoài về thấy vậy vẫn chưa an tâm, nên đã mua thêm 1 thiết bị lọc nước khác, lắp vào ngay đầu nguồn nước cấp cho gia đình. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, gia đình bà thêm lo lắng, khi thiết bị lọc này cho nước từ màu trắng chuyển qua đen kịt. Tháo phần lõi ra, các vệt bẩn màu đen bám đầy tay…
Thiết bị lọc nước của nhà bà Thắng cho nước chuyển từ màu trắng sang màu đen chỉ sau thời gian ngắn. Ảnh: Tiến Hùng
“Dù trải qua 2 lần lọc rồi nhưng chúng tôi vẫn rất lo lắng. Nhưng người dân thì không thể quan trắc được, nguồn nước này có an toàn không”, ông Trần Văn Tình (60 tuổi), chồng bà Thắng nói thêm.
Vụ việc khiến người dân thị trấn Quỳ Hợp hoang mang kể từ ngày 30/6, khi người dân ở xã Châu Thành phát hiện cá trên thượng nguồn Nậm Huống chết rất nhiều, mặt nước suối rất trong, nhưng dưới đáy có bùn lắng và màu đỏ đục. Vị trí cá chết chỉ cách điểm mà nhà máy nước lấy nước thô vào khoảng 15 km về phía thượng nguồn.
UBND huyện Quỳ Hợp ngay sau đó đã lập đoàn kiểm tra, truy tìm nguồn xả thải và phát hiện điểm khởi nguồn của bùn thải là một mỏ khai thác thiếc. Cơ quan chức năng đã lập biên bản kiểm tra hiện trường, yêu cầu doanh nghiệp này giải trình nguyên nhân các vệt bùn xuất phát từ khu vực miệng cống thoát nước của mỏ thiếc. UBND huyện Quỳ Hợp sau đó đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo cơ quan chuyên môn vào cuộc, vì thẩm quyền xử lý đã vượt tầm tay của huyện.
Phần lõi lọc nước bám đầy vết đen bẩn chỉ sau thời gian ngắn. Ảnh: Tiến Hùng
Ngày 3/7/2024, UBND huyện Quỳ Hợp có công văn về việc hạn chế sử dụng nguồn nước suối Nậm Huống. Theo công văn này, kết quả kiểm tra cho thấy, tại hiện trường nước suối hơi đục, nền đất suối có màu vàng sẫm, có xảy ra hiện cá chết lác đác dạt vào 2 bên bờ suối (cá tự nhiên). Hiện nay, UBND huyện đang đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan phối hợp để tìm ra nguyên nhân hiện tượng cá chết trên. Trong thời gian chờ cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân, UBND huyện yêu cầu UBND các xã Châu Thành, Châu Cường, Châu Quang và thị trấn Quỳ Hợp thông báo, tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể nhân dân, trên loa phát thanh các khối, xóm, bản cho nhân dân được biết, không được đánh bắt, ăn cá chết, tắm rửa, cho gia súc uống nước, hạn chế sử dụng nguồn nước tại suối Nậm Huống. Đồng thời, sử dụng một số nguồn khác thay thế như nước đóng chai, giếng khoan và một số nguồn nước bảo đảm vệ sinh khác. Tập trung khẩn trương khắc phục vệ sinh, thu gom cá chết, khơi thông dòng chảy làm sạch môi trường nước.
UBND huyện Quỳ Hợp cũng yêu cầu Nhà máy nước thị trấn Quỳ Hợp tiến hành quan trắc nguồn nước đầu vào, nhằm đảm bảo các thông số kỹ thuật, chất lượng, an toàn sức khỏe cho nhân dân sử dụng nước máy.
Cần sớm đổi nguồn nước đầu vào
Đây không phải lần đầu, nguồn nước đầu vào của nhà máy nước bị đặt dấu hỏi về độ an toàn. Bởi trên thượng nguồn dòng sông này, có đến hàng chục mỏ khai thác quặng thiếc, thường xuyên lén lút xả thải xuống lòng sông. Đặc biệt, năm 2017, đập chứa bùn thải của một doanh nghiệp bị vỡ, nước thải màu đen tràn xuống dòng sông.
Đến tháng 10/2017, nhiều người dân lo lắng khi nguồn nước sinh hoạt của gia đình có màu vẩn đục xen lẫn màu đỏ và có mùi lạ. Sở Tài nguyên và Môi trường sau đó phối hợp với UBND huyện Quỳ Hợp kiểm tra hiện trường, lấy mẫu nước thô đầu vào cấp cho Trạm Cấp nước Quỳ Hợp để làm rõ các nội dung nêu trên. Đoàn kiểm tra đã thống nhất lấy 2 mẫu nước thô đầu vào cấp cho Trạm Cấp nước Quỳ Hợp.
Qua kết quả phân tích của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường cho thấy: Đối với mẫu nước mặt lấy tại Trạm bơm nước thô đầu vào cấp cho Trạm Cấp nước Quỳ Hợp, các chỉ tiêu như tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt 2,13 lần; Asen (As) vượt 1,35 lần; Chất hoạt động bề mặt vượt 2 lần; Crom VI (Cr6+) vượt 1,05 lần so với QCVN 08-MT:2015 (Cột A2) – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Đối với mẫu nước mặt lấy cách trạm bơm nước thô đầu vào của nhà máy 100m về phía thượng nguồn, các chỉ tiêu như tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt 2,53 lần; Asen (As) vượt 1,35 lần so với QCVN 08-MT:2015 (Cột A2) – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Bể lọc của Nhà máy nước thị trấn Quỳ Hợp. Ảnh: Tiến Hùng
Cùng thời điểm này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cũng đã lấy mẫu nước thô từ đầu nguồn; mẫu nước máy của Trạm Cấp nước Quỳ Hợp ở nhiều điểm khác nhau. Kết quả cho thấy, 3/4 mẫu nước không đạt đều có chỉ số dư Clo, riêng 1 mẫu nước không đạt có Coliforms vượt QCVN01/2009/BYT.
Như vậy, kết quả kiểm tra cho thấy, nhiều chỉ số đầu vào cũng như đầu ra không đạt chuẩn, đặc biệt là nguồn nước đầu vào có chỉ số Asen vượt ngưỡng cho phép tới 1,35 lần khiến cho hàng nghìn khách hàng tại huyện miền núi này không khỏi hoang mang, lo lắng.
Theo ông Quán Vi Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, sau lần ô nhiễm này, chính quyền địa phương cũng đã làm việc với phía Nhà máy nước, đề nghị di dời vị trí lấy nước thô đến địa điểm khác. Địa điểm mới được đề xuất là suối Nậm Chóng, một nhánh của sông Dinh thuộc xã Châu Đình. Khu vực này cách vị trí cũ chừng 2 km. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp, thượng nguồn của suối Nậm Chóng không có mỏ khai thác quặng, nên không lo nguồn nước bị ô nhiễm. Tuy nhiên, suốt 5 năm nay, phía Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An vẫn không có động thái di dời theo đề xuất của chính quyền địa phương. “Cách đây 5 năm, UBND huyện đã muốn đổi nguồn nước đầu vào rồi. Bây giờ xuất hiện tình trạng này, lại càng trông mong hơn”, ông Giang nói.
Sông Nậm Huống đoạn gần vị trí lấy nước đầu vào. Ảnh: Tiến Hùng
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Hải – Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An cho rằng, việc để xảy ra tình trạng các mỏ khai thác quặng xả thải làm ô nhiễm các dòng sông là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Về công văn ngày 3/7, của UBND huyện Quỳ Hợp mới đây gửi phía nhà máy nước, yêu cầu quan trắc nguồn nước đầu vào, nhằm đảm bảo các thông số kỹ thuật, chất lượng, an toàn sức khỏe cho nhân dân sử dụng nước máy, ông Hoàng Văn Hải cho rằng, trách nhiệm này không phải của phía nhà máy nước, mà là của cơ quan chức năng.
Ông Hải nói: “Bây giờ, nếu chúng tôi bỏ cả tiền tỷ để di dời điểm lấy nước thô đến một nhánh sông khác, rồi thời gian tới, dòng sông này cũng bị ô nhiễm thì làm sao. Việc di dời theo đề nghị của địa phương là rất tốn kém. 5 năm trước, đúng là huyện Quỳ Hợp và chúng tôi cũng thống nhất là đổi nguồn nước thô, nhưng lúc đó phương án là nguồn vốn do các doanh nghiệp khai thác khoáng sản gây ô nhiễm ở thượng nguồn chi trả. Nhưng chúng tôi chờ mãi không thấy huyện phản hồi”.
Còn ông Nguyễn Trung Dũng – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quỳ Hợp cho biết, chưa bao giờ, người dân sử dụng nước máy trên địa bàn lại hoang mang như thời điểm này. “Đây là nỗi lo lắng của người dân từ nhiều năm trước rồi. Hầu như cuộc tiếp xúc cử tri lần nào người dân cũng đề cập. Nhưng hiện tại, sau khi cá chết, thì đặc biệt hoang mang. Người dân muốn được biết các số liệu quan trắc, liệu nguồn nước có an toàn không”, ông Dũng nói.
Tiến Hùng
Nguồn: https://baonghean.vn/noi-lo-nguon-nuoc-sinh-hoat-bi-o-nhiem-cua-hang-nghin-ho-dan-huyen-quy-hop-10275450.html